Chuyện sao chép trong sáng tác
VHO - Giải thưởng văn học Akutagawa là một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất ở Nhật Bản. Nó được trao hai năm một lần cho những tác giả mới nổi có tác phẩm nghiêm túc nhất và hay nhất đăng tải trên các tờ báo và tạp chí.
Rie Kudan cho biết khoảng 5% nội dung cuốn sách của cô do ChatGPT viết Ảnh: ZUMAPRESS
Giải được trao lần đầu tiên vào năm 1935, tức là cho tới nay đã có được bề dày truyền thống đáng nể. Giải thưởng này được trao hằng năm hai lần vào tháng Giêng và tháng Bảy. Mới đây, giải thưởng này được trao cho nữ tác gia 33 tuổi Rie Kudan về tiểu thuyết “Tokyo-to Dojo-to” (Ngọn tháp thân thiện ở Tokyo). Đấy là một tác phẩm văn học thuộc thể loại viễn tưởng kể về cuộc sống ở bên trong một tòa nhà cao tầng được dùng để làm nhà tù và về nữ kiến trúc sư đã thiết kế nhà tù cao tầng này. Một trong những chủ đề nội dung chính của cuốn tiểu thuyết là trí tuệ nhân tạo. Ban giám khảo chọn giải thưởng bao gồm các nhà văn có tên tuổi, các nhà phê bình văn học lừng danh ở Nhật Bản và một số tác gia đã từng được trao giải. Về tiểu thuyết nói trên của Rie Kudan, ban giám khảo đã hết lời khen ngợi, đánh giá tác phẩm rất hấp dẫn và gần như không mắc lỗi nào.
Gần như thôi chứ không phải hoàn toàn không bởi ngay sau đó đã xảy ra chuyện. Nữ văn sĩ Rie Kudan nhận giải thưởng (luôn là một chiếc đồng hồ bỏ túi và tiền thưởng 1 triệu Yên) và rồi thú nhận là đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết nên tiểu thuyết này. Cho dù nữ nhà văn quả quyết là chỉ có khoảng 5%, điều không thể phủ nhận là tác phẩm văn học này không phải nhờ hoàn toàn vào sáng tác của tác giả mà có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo. Nữ văn sĩ Rie Kudan giải thích rằng cô đã tương tác với ứng dụng ChatGPT, trao đổi với ChatGPT những suy nghĩ thầm kín nhất của mình mà không thể trao đổi hay chia sẻ được với bất cứ ai khác. Rồi từ những câu trả lời của trí tuệ nhân tạo, cô có được nhiều ý tưởng mới, gợi mở mới và thậm chí cả những đoạn thoại mới cho tiểu thuyết của mình hoặc đưa trực tiếp vào tiểu thuyết.
Vậy là ở đây trong thực chất có chuyện sao chép trong sáng tác văn học. Nếu dùng ngôn từ thô thiển hơn để thể hiện thì đó là đạo ý tưởng và đạo văn của trí tuệ nhân tạo. Điều thú vị trong trường hợp cụ thể này, là trước giải thưởng Akutagawa vừa rồi cũng đã từng có tác phẩm được chọn lọc trao giải thưởng này nhưng sau đó lộ diện tình trạng có đạo văn. Chẳng hạn như hồi năm 1972, giải thưởng này được trao cho nhà văn Akio Myiahara và rồi người này thú nhận là đã có sao chép của người khác. Hay như vào năm 2018, một ứng cử viên cho lần xét duyệt trao giải, đã sử dụng lại đoạn văn từ nguồn tài liệu đã được công bố, nhưng lại không xác nhận là đã trích dẫn từ nguồn tài liệu gốc này.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, việc phát triển và ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo đã trở thành xu thế. Văn hóa nghệ thuật đương nhiên bị tác động sâu rộng và mạnh mẽ. Nhưng sáng tác văn học nghệ thuật lại là lĩnh vực rất đặc biệt và rất cần phải phân biệt thật sự rạch ròi giữa sáng tác văn học nghệ thuật của con người và sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Sự kết hợp giữa sáng tác văn học nghệ thuật của con người với sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp dưới nhiều hình thức khác nhau của trí tuệ nhân tạo, hoặc kết hợp với sáng tác văn học nghệ thuật của trí tuệ nhân tạo, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi và đưa lại những sản phẩm rất thú vị và hấp dẫn. Nhưng cũng chính vì thế mà việc tôn vinh những sản phẩm văn hóa nghệ thuật nói chung có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo, cần phải được tiếp cận và xử lý theo cách khác để đảm bảo công bằng giữa truyền thống và hiện đại, giữa các văn nghệ sĩ với nhau và giữa các sản phẩm với nhau.
Chỉ như thế thì mới không luôn bị phải trả lời câu hỏi: Giải thưởng danh giá trao cho ai thì xứng đáng hơn - tác giả hay trí tuệ nhân tạo?
NGÂN KHÁNH